Tiên Ngọc là một xã miền núi, cách Trung tâm huyện Tiên Phước 22 km về phía Tây, tổng diện tích đất tự nhiên 4,809,97ha, trong đó đất nông nghiệp 4458,82ha, đất phi nông nghiệp 325,81ha. Tiên Ngọc mang nét đặc trưng của địa hình vùng đồi núi, gò đồi, bậc thang, vùng dân cư được bao bọc bởi các dãy núi bao quanh và thấp dần về hướng Tây, có 3 dạng địa hình chính: địa hình đồi núi, gò đồi và bậc thang. Phía Đông giáp xã Tiên Hiệp và Tiên Cảnh; Phía Tây giáp xã Tiên Lãnh; Phía Nam giáp xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My; Phía Bắc giáp xã Tiên Châu.
Dân số toàn xã năm 2016 là 2485 người, trong đó nam 1253 người, nữ 1232 người. Quá trình hình thành và phát triển của xã Tiên Ngọc gắn liền với quá trình mở cõi và giữ nước của dân tộc. Tiên Ngọc vốn là vùng “ô châu ác địa”, về đấu tranh cách mạng là nơi “đầu sóng ngọn gió”. Qua những chặng đường đấu tranh yêu nước và cách mạng, bằng ý chí và quyết tâm của nhân dân, nhất là kể từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Tiên Phước, cán bộ và nhân dân Tiên Ngọc đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, cùng cả huyện, cả tỉnh và cả nước góp phần đưa thắng lợi cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dưới thời Pháp thuộc, Tiên Ngọc gồm 2 xã nhỏ là Dương Đồng và Hòa Tân. Năm 1946 sát nhập 2 xã trên thành xã Hòa Đồng. Năm 1947 đổi tên thành xã Phước Ngọc. Năm 1965 địch dồn dân vào quận Hậu Đức nhập Phước Ngọc và Phước Lãnh thành xã Phước Châu. Sau giải phóng 1975, tách ra và lấy lại tên là xã Tiên Ngọc cho đến nay.
Tiên Ngọc là xã có địa hình phức tạp, núi đồi bao bọc, sông suối chia cắt, giao thông cách trở nhất là mùa mưa lũ, nhưng Tiên Ngọc có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh. Nên trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Tỉnh ủy Quảng Nam và Huyện ủy Tiên Phước luôn chọn nơi đây làm căn cứ hậu phương chiến lược, kẻ địch thì tìm mọi cách để chiếm giữ địa bàn chiến lược quan trọng, nhằm chia cắt ngăn chặn lực lượng cách mạng tiến công để bảo vệ căn cứ quân sự trọng yếu của chúng ở Phước Lâm, quận lỵ Tiên Phước và các huyện phía Nam tỉnh Quảng Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, chiến sự xảy ra ở đây vô cùng ác liệt, ta và địch giành giật từng tấc đất, từng ngọn đồi, khe suối, không có đêm nào, ngày nào ngớt tiếng bom đạn, ruộng vườn, nhà cửa, nhân dân bị bom cày, đạn xới nhiều lần. Càng gian nan, ác liệt, ý chí của nhân dân càng được khẳng định vững vàng, dũng cảm, bất khuất, kiên cường bám trụ, đánh giặc giữ làng, giữ vững khu căn cứ hậu phương chiến lược của cách mạng.
Vốn có truyền thống yêu nước, lòng căm ghét chế độ bất công tàn bạo của bọn tay sai bán nước, nên ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, truyền thống yêu nước của nhân dân Tiên Ngọc được phát huy mạnh mẽ, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Cách mạng, hưởng ứng tham gia các phong trào Cách mạng ở địa phương. Các đồng chí Huỳnh Ân, Đỗ Thông đã sớm giác ngộ, là quần chúng trung kiên của cách mạng, đứng ra tập hợp quần chúng, thành lập tổ chức thanh niên vũ trang, bí mật tập luyện quân sự, khi thời cơ khởi nghĩa đã đến, các đồng chí đã lãnh đạo quần chúng nhân dân và thanh niên trong xã, tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 17 tháng 8 năm 1945 ở xã thắng lợi, được cổ vũ phong trào khởi nghĩa, dưới sự chỉ đạo của ban khởi nghĩa huyện, nhân dân và thanh niên vũ trang xã với cây, gậy, giáo, mác cùng với nhân dân các xã kéo về khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện đêm 18 rạng ngày 19/8/1945 thành công, chính quyền thuộc về tay nhân dân.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công Tiên Ngọc đã thành lập chính quyền từ xã đến thôn, các đoàn thể Cách mạng và lực lượng vũ trang được thành lập để bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng mà nhân dân vừa mới giành được.
Để trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách mạng, ngày 15 tháng 3 năm 1948, Chi bộ Đảng đầu tiên được hình thành, chính tổ chức Đảng này vừa là hạt nhân lãnh đạo phong trào Cách mạng vừa thực hiện công tác phát triển đảng viên của Đảng. Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng diễn ra mạnh mẽ trở thành cao trào rộng khắp trong toàn dân, tích cực thực hiện phong trào “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” và xây dựng lực lượng để bảo vệ chính quyền, kháng chiến kiến quốc.
Sau các hoạt động quân sự kết hợp, nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kìm kẹp, mở rộng quyền làm chủ ở nông thôn, được sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Trọng Hoàng- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam về đồng khởi giải phóng 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc. Dưới sự lãnh đạo của huyện, LLVT xã Tiên Ngọc chuẩn bị gấp rút, xác định thời cơ khởi nghĩa vũ trang đã đến, ngày 29 tháng 10 năm 1961 lực lượng vũ trang 2 xã Lãnh, Ngọc đã phối hợp với các đơn vị Tiểu đoàn 70, H21, H30 của Tỉnh vượt sông Tranh giải phóng Lãnh- Ngọc. Sau khi giải phóng Tiên Lãnh, quân ta thừa thắng xông lên tấn công vào cơ quan Hội đồng xã, bọn Hội đồng và lính tổng rút chạy ra Phước Lâm. Việc giải phóng 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc là một thắng lợi to lớn của quân và dân ta, sự kiện này thực sự trở thành ngọn cờ tiêu biểu cho nhân dân toàn tỉnh trong phong trào diệt ác, phá kèm của địch và đã đi vào lịch sử của xã nhà.
Mất Lãnh- Ngọc, địch điều quân lên hòng đánh chiếm lại vùng giải phóng, ngày 15/01/1962 tiểu đoàn biệt kích địch mở trận càn lớn vào địa bàn xã. Lực lượng du kích của xã đã chủ động bố phòng chông mìn và tổ chức đánh chặn quyết liệt, ta tiêu diệt hơn một trung đội, địch tổn thất nặng nề rút chạy, vùng giải phóng Tiên Ngọc được giữ vững. Khi địch rút khỏi địa phương, nhân dân tăng cường công tác bố phòng, lực lượng du kích xã phối hợp với bộ đội địa phương huyện sẵn sàng đánh địch tái chiếm địa phương. Trận phản kích đầu tiên của địch bị thất bại, địch liều lĩnh mở nhiều đợt tấn công vào địa bàn xã Tiên Ngọc.
Tuy thất bại nhưng địch vẫn điên cuồng tổ chức lực lượng đánh chiếm Tiên Ngọc. Suốt một tuần từ ngày 18 tháng 9 năm 1962 đến ngày 25 tháng 9 năm 1962 địch huy động lực lượng tấn công vào Tiên Ngọc bằng nhiều hướng. Trước tình hình đó, Chi bộ đã chỉ đạo cho nhân dân đã bố trí chông mìn, cạm bẩy khắp nơi và thực hiện “vườn không, nhà trống”. Lực lượng du kích xã liên tục ngày đêm đeo bóm đánh chặn, buộc địch co cụm lại và kết thúc đợt càn mà chúng không thu được kết quả gì. Tiên Ngọc vẫn là vùng giải phóng. Cuối năm 1962, đầu năm 1963, lực lượng du kích cùng công an xã phối hợp với trên đã điều tra, khám phá bắt và xử lý một toán gián điệp hoạt động tại địa phương, gây được tiếng vang rất lớn cho phong trào Cách mạng lúc bấy giờ. Tháng 02 năm 1963 địch mở cuộc càn Lam Sơn 7, tấn công vào Tiên Ngọc với lực lượng lớn có cả phi pháo, xe tăng yểm trợ. Nhưng du kích xã cùng bộ đội huyện đã kiên cường chống trả, bao vây, bắn tỉa vào đồn Châu Chánh, tập kích đại đội địch đóng tại rẩy tranh Bà Mới diệt một trung đội. Du kích xã gài mìn diệt một trung đội tại dốc Đất Đỏ buộc địch phải rút lui.
Trải qua nhiều trận chiến đấu chống địch lấn chiếm, quân và dân Tiên Ngọc đã rút ra nhiều kinh nghiệm phải kiên trì bám trụ đánh địch bằng nhiều hình thức, đánh địch khi vừa mới đặt chân đến cả phía trước phía sau “bám thắt lưng địch mà đánh”, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang chống địch dồn dân lập ấp. Vì vậy quân và dân Tiên Ngọc đã phối hợp với Bộ đội địa phương huyện đánh bại chiến dịch “Bình châu, dân chiến” của Mỹ ngụy năm 1964.
Đến cuối năm 1964, với lực lượng đông đảo, Mỹ ngụy đã càn vào Tiên Ngọc và đóng quân tại đồn Châu Chánh, chúng tiến hành gom dân, lập ấp chiến lược, thành lập bộ máy chính quyền, theo dõi bắt bớ nhân dân. Nhưng nhân dân Tiên Ngọc vẫn một lòng sắt son với Đảng, với Cách mạng, làm cơ sở cung cấp tình hình cho Cách mạng. Trong thời gian địch đóng quân, lực lượng du kích xã cùng với bộ đội địa phương huyện liên tục tổ chức các đợt tập kích, bắn tỉa. Tháng 7 năm 1965 địch phải rút quân về Phước Lâm.
Từ năm 1966-1967 quân Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt vùng giải phóng Tiên Ngọc bằng không quân, pháo binh, kể cả máy bay B52, B57 ném bom, rãi chất độc hóa học, có những ngày cao điểm huy động hàng chục tốp máy bay ném bom, bắn hàng ngàn quả pháo kết với với lực lượng bộ binh tổ chức các đợt càn quét. Nhưng quân và dân Tiên Ngọc vẫn không hề lùi bước, tiếp tục tổ chức xây dựng lực lượng, chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời bảo vệ an toàn cơ quan của Tỉnh đóng trên địa bàn của xã.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân Tiên Ngọc đã huy động mọi lực lượng tham gia trên cả 2 lĩnh vực: Đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Lực lượng du kích xã đã tấn công vào quận lỵ Hậu Đức, quần chúng nhân dân đã đấu tranh trực diện với địch một cách kiên cường tiêu biểu như liệt sĩ Đỗ Nả, Trần Đài anh dũng dẫn đầu đoàn biểu tình đấu tranh làm cho địch hoang mang, khiếp sợ.
Sau tết Mậu thân năm 1968, địch ra sức phản kích đã gây cho ta nhiều thiệt hại. Nhưng dưới sự chỉ đạo của trên, quân và dân Tiên ngọc vẫn kiên cường bám trụ, sát cánh cùng với Bộ đội địa phương huyện đánh bại các đợt càn quét của Mỹ ngụy. Thực hiện chủ trương “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt” làm cho địch thương vong, tổn thất, lo sợ. Tiêu biểu là trận đánh tại Đồng Ống của lực lượng du kích xã do đồng chí Bùi Tấn Điện chỉ huy đã tiêu diệt 15 tên, đồng chí Bùi Hóa- Xã đội phó dùng súng bộ binh bắn rơi 1 máy bay HU1A.
Vào ngày 23 tháng 7 năm 1969, Mỹ lại kéo quân lên Dương Bồ, tại đây chúng bị lực lượng du kích xã phục kích chặn đánh tiêu diệt và bị thương hơn một trung đội, đồng chí Lê Gián- Chiến sĩ du kích đã bắn rơi 1 máy bay HU1A. Chỉ sau đó 2 ngày quân Ngụy từ Phước Lâm càn vào Tiên Ngọc, đã bị trung đội du kích xã phục kích chặn đánh tại đồi Đá Chẹt diệt gần 1 trung đội địch thu 07 súng tiểu liên.
Trong những năm 1970-1971, lực lượng du kích xã đã kiên cường bám trụ, đánh trả mọi hành động của địch với những thủ đoạn vô cùng nham hiểm, tiếp tục mở rộng địa bàn, đưa nhân dân về quê ổn định sản xuất và tham gia phục vụ cho bộ đội chủ lực đánh địch. Đầu năm 1971, du kích xã đã phối hợp với bộ đội huyện phục kích tại Gò Gia- Thôn 3 diệt một trung đội địch, thu 05 khẩu súng bộ binh. Đến năm 1972, du kích xã Tiên Ngọc phối hợp với bộ đội huyện phục kích tại đồi Hố Gia tiêu diệt một trung đội địch, thu 11 súng bộ binh và một máy thông tin PRC25.
Chiến dịch mùa xuân năm 1975, quân dân Tiên Ngọc đã huy động lực lượng tham gia mở đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược, phục vụ chiến dịch giải phóng Tiên Phước. Lực lượng du kích xã đã tham gia chiến đấu suốt trong các đợt tiến công chi khu quận lỵ Hậu Đức loại bỏ khỏi vòng chiến đấu hàng chục nghìn tên địch, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng, góp phần giải phóng hoàn toàn Tiên Phước vào ngày 10 tháng 3 năm 1975.
Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh, gian khổ nhưng oanh liệt, quân và dân Tiên Ngọc đã kiên cường bám trụ, xây dựng làng xã chiến đấu, phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh, huyện đánh 2.325 trận lớn nhỏ, trong đó có hàng trăm trận đánh bằng chông mìn cạm bẩy, diệt gọn 5 trung đội địch, trong đó có một trung đội Mỹ. Loại khỏi vòng chiến đấu 13.769 tên, bắn rơi 04 máy bay, trong đó có 1 máy bay L19, 3 máy bay HU1A. Bứt rút 3 chốt điểm, đánh sập một cơ quan Hội đồng, phá tan 5 ấp chiến lượt, thu và hủy hàng trăm khẩu súng các loại cùng nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng khác. Ngoài ra, nhân dân Tiên Ngọc đã đào hơn 100 hầm trú ẩn, hơn 1.000m giao thông hào, vót hơn 10.000 cây chông tre, cải tiến 1.200 quả mìn các loại, đóng góp hàng vạn công phục vụ chiến đấu, nuôi dưỡng thương binh.
Nhân dân Tiên Ngọc đã sẵn sàng chịu đựng gian khổ, ác liệt, chiến đấu dũng cảm thể hiện nhiều tấm gương tiêu biểu xây dựng nên truyền thống Cách mạng kiên cường của quê hương Tiên Ngọc anh hùng đó là 152 liệt sỹ, 72 thương binh, 372 đồng bào đã ngã xuống và những tấm gương tiêu biểu đã góp phần viết nên trang sử hào hùng của quê hương đó là đồng chí Huỳnh Ân, Đỗ Thông, Nguyễn Trình, Đỗ Nả, Trần Đài, Lê Mực, Lê Tánh, Lê Cửu, Lê Thắng, Bùi Tấn Điện, Bùi Hóa, Lê Gián…và biết bao nhiêu tấm gương anh dũng khác của đồng bào, đồng chí phục vụ chiến đấu hoặc trực tiếp chiến đấu, xông pha trên mặt trận đấu tranh chính trị, binh địch vận đã góp phần xứng đáng vào bản anh hùng ca của dân tộc anh hùng, huyện Tiên Phước anh hùng và Tiên Ngọc được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND hôm nay.
Chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng CNXH. Đảng bộ và nhân dân xã Tiên Ngọc bước vào giai đoạn Cách mạng đầy phấn khởi, tự hào nhưng trước mắt những khó khăn của hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề, ruộng vườn hoang hóa, bom mìn dày đặc, đại bộ phận nhân dân từ các khu dồn của địch mới trở về với đôi bàn tay trắng, nhà cửa không có, đời sống thiếu thốn trăm bề. Đây là thách thức khó khăn đòi hỏi Đảng bộ, nhân dân địa phương phải nổ lực vươn lên bằng chính sức mình để vượt qua. Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo huyện, các cơ quan ban ngành đoàn thể của huyện, ngay từ những ngày đầu dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, nhân dân bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, đã tháo gỡ hàng trăm quả bom mìn các loại, giải phóng hàng trăm ha ruộng đất, 3200m đường giao thông, đẩy mạnh phong trào khai hoang phục hóa tăng gia sản xuất để ổn định đời sống.
Qua từng năm tình hình kinh tế- xã hội của địa phương từng bước thay da đổi thịt, qua 40 năm xây dựng đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.
Về cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi, đường giao thông liên thôn, liên xã được thông suốt, ôtô đi đến được các thôn trong xã, đến nay đã có 7,7km đường được bê tông hóa, hệ thống thủy lợi đảm bảo cung cấp nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; thu nhập từ kinh tế vườn, kinh tế rừng đạt hiệu quả cao góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân trong toàn xã. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 67% năm 2010 đến nay còn 27%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%; trên địa bàn xã không còn có nhà ở dột nát, tỷ lệ nhà đạt 3 chuẩn chiếm 65%. Về kinh tế vườn, tập trung chỉ đạo nhân dân cải tạo vườn, củng cố mô hình cây chuối nai tại thôn 1, phát triển mô hình trồng dừa xiêm xanh lùn; nhiều mô hình được hình thành và phát triển như: mô hình trồng cây thanh trà, làm dó bầu, đặc biệt là việc trồng tiêu Tiên Phước phát triển mạnh trong nhân dân, trong đó phải kể đến mô hình trồng tiêu 500 chói của anh Vũ Chí Công thôn 3, mô hình thanh trà của anh Nguyễn Xuân Lâm thôn 2, mô hình trồng dừa xiêm của gia đình ông Nguyễn Ngọc Kim thôn 5,..... Tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng đến nay tổng thu nhập bình quân của xã đạt 19 triệu đồng/người/năm. Lao động trên lĩnh vực nông nghiệp đang dịch chuyển dần dần sang lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp.
Công tác dạy và học được thường xuyên chú trọng, tỷ lệ học sinh ra lớp hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS được giữ vững. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT, bổ túc, học nghề là 90%. Trường Mẫu giáo và Trường Tiểu học đều đạt 3/5 tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2019 02 trường đều đạt chuẩn quốc gia.
Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm xây dựng, trạm y tế xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm các trang thiết bị phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng được thực hiện thường xuyên ở địa phương. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 85%.
Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, từ thiện được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận đoàn thể và nhân dân quan tâm thực hiện thường xuyên. Giải quyết tốt, kịp thời các chính sách hậu phương quân đội theo quy định của Nhà nước.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể quần chúng luôn chăm lo công tác quốc phòng an ninh, xây dựng lực lượng dân quân xã đủ số lượng và đảm bảo chất lượng.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận các đoàn thể luôn được đề cao. Đội ngũ cán bộ từng bước được đào tạo bồi dưỡng đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển. Mặt trận và các đoàn thể quần chúng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, mở rộng dân chủ, tình làng nghĩa xóm được gắn kết trong cộng đồng dân cư.
Công tác xây dựng nông thôn mới được chú trọng, đến nay toàn xã đã đạt 9/19 tiêu chí theo quy định, xã phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành 19 tiêu chí và về đích trong xây dựng nông thôn mới.
HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU CỦA XÃ
Đường thôn 3 đi thôn 5 xã
Chuối mốc Tiên Ngọc ngon nổi tiếng
Phát triển cây Thanh trà Tiên Ngọc
Mô hình Tiêu Tiên Phước
Trụ sở UBND xã