Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 146 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng
Ngày đăng:
14:02 | 30/09
Lượt xem:
64
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 146 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 146 NĂM NGÀY SINH QUYỀN CHỦ TỊCH NƯỚC HUỲNH THÚC KHÁNG (01/10/1876 - 01/10/2022)
I. TÓM TẮT TIỂU SỬ CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG
Huỳnh Thúc Kháng (tên khai sinh là Huỳnh Hanh), sinh ngày 01/10/1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ là Huỳnh Văn Phương (hiệu Tấn Hữu), một nhà nho theo nghiệp đèn sách nhưng không thành danh. Thân mẫu là Nguyễn Thị Tình, người cùng quê, một phụ nữ mực thước, đảm đang.
Huỳnh Thúc Kháng vốn nổi tiếng thông minh, học giỏi và sớm đạt giải cao trong các kỳ thi. Năm 1900, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu kỳ thi Hương, năm 1904, đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội, trở thành một người nổi tiếng của xứ Quảng thời ấy.
Vốn không tham quyền chức nên sau khi đỗ tiến sĩ, Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà đi dạy học, tìm đọc nhiều sách báo có nội dung tư tưởng mới, nuôi ý chí canh tân đất nước. Năm 1905, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đi tìm hiểu tình hình thực tế ở phía Nam, xem xét dân tình, sĩ khí, đề xướng tân học và tìm bạn cùng chí hướng. Năm 1906, trở về Quảng Nam khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy tân (1906-1908).
Do tham gia khởi xướng cuộc vận động Duy tân ở Trung Kỳ, rồi phát triển thành một phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng nhân dân, trong đó có phong trào chống thuế năm 1908, nên Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt, đày đi tù Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921). Sau khi được trả tự do, Huỳnh Thúc Kháng lại tích cực hoạt động đòi quyền lợi cho dân, cho nước.
Tháng 7/1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tuy nhiên, sau khi thấy Viện Dân biểu không thực sự đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của Nhân dân nên Huỳnh Thúc Kháng xin từ chức (năm 1928), tập trung vào nghiệp báo chí, văn chương, làm chủ nhiệm đồng thời là chủ bút Báo Tiếng dân suốt 16 năm (1927-1943).
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trân trọng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Từ năm 1946 làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt), rồi làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp (31/5/1946-20/10/1946), điều hành quốc sự theo phương châm: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng.
Đầu năm 1947, tiếp tục hành trình đi kinh lý miền Trung, do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, cụ Huỳnh qua đời tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 21/4/1947 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước. Ngày 29/4/1947, Chính phủ tổ chức Lễ truy điệu Huỳnh Thúc Kháng theo nghi thức Quốc tang. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi tới toàn thể đồng bào để nêu gương chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.
Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, ngày 27/12/2012, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2308/QĐ-CTN, truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh.
II. NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG CHO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
1. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
Một là, tham gia khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy tân, góp phần khơi dậy phong trào yêu nước rộng khắp, mở ra cách thức cứu nước mới
Để có thêm cơ sở thực tiễn cho hoạt động Duy tân, năm 1905, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp đi tìm hiểu một số tỉnh phía Nam, gặp gỡ các nhân sĩ trí thức, tích cực tuyên truyền, vận động Duy tân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết để thành lập Công ty Liên Thành và trường Dục Thanh; vận động, thiết lập cơ sở kinh doanh lấy tên “Thương học công ty” với nhiều chi nhánh để liên lạc những người yêu nước và tạo nguồn tài chính ủng hộ phong trào Đông du của Phan Bội Châu. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm tổ chức, công ty thất bại, Huỳnh Thúc Kháng chuyển sang chăm lo các lớp học và tham gia giảng dạy chính trị, văn hóa, khuấy động tinh thần Duy tân... Đồng thời, vận động Nhân dân thay đổi lối sống, mặc âu phục, cắt tóc ngắn, cùng các thân sĩ chung sức lập các hội buôn, hội nông, hội trồng quế, xây trường học, thư viện... Khi Phan Châu Trinh ra Hà Nội, Trần Quý Cáp vào Khánh Hòa, một mình Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo phong trào Duy Tân trong tỉnh Quảng Nam, đồng thời đi nhiều nơi diễn thuyết, tuyên truyền, cổ động Duy tân.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp của phong trào Duy tân, phong trào chống thuế năm 1908 xuất phát từ làng Phiếm Ái, lan ra các vùng nông thôn của huyện Đại Lộc, nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh Quảng Nam, rồi cả miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Thực dân Pháp và quan lại Nam triều thẳng tay đàn áp phong trào. Tháng 2/1908, Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt, đến tháng 8 bị đày ra Côn Đảo, đến năm 1921 mới được trả tự do, nhưng bị quản thúc tại gia (ở làng Thạnh Bình).
Hai là, ở cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng dân, Cụ đã tích cực đấu tranh đòi quyền lợi cho dân, cho nước
Khi ra khỏi ngục tù, thực dân Pháp và chế độ phong kiến Nam triều biết tài năng, đức độ, uy tín của Huỳnh Thúc Kháng nên đã nhiều lần mời ra làm quan nhưng đều bị từ chối.
Năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Nghị viện, rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông đã sử dụng Viện Dân biểu như một diễn đàn đấu tranh công khai đòi thực dân Pháp phải nới lỏng chính sách cai trị, cải cách dân chủ, dân sinh, thực thi dân quyền, đảm bảo lợi ích dân tộc. Tuy nhiên, Viện Dân biểu Trung Kỳ do thực dân Pháp nặn ra là một tổ chức bù nhìn, chiêu bài phục vụ mục đích của thực dân nên năm 1928, Huỳnh Thúc Kháng đã xin từ chức.
Thấy rõ được sức mạnh của báo chí trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân, Huỳnh Thúc Kháng đã tập trung sáng tác văn thơ, viết báo, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng dân, đây là tờ báo đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt ở Trung Kỳ. Gần 16 năm tồn tại (1927-1943), Báo Tiếng dân đã góp phần quan trọng tuyên truyền, giáo dục quần chúng tích cực đấu tranh chống thực dân, phong kiến; đòi quyền lợi cho dân, cho nước; làm cho chính quyền thực dân phải dè chừng, không dám ngang ngược ức hiếp dân lành. Đồng thời, có ý nghĩa tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân theo con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.
2. Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám năm 1945
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay Nhân dân nhưng nước ta đứng trước tình thế vô cùng khó khăn đòi hỏi sự chung sức đồng lòng, cống hiến tài năng trí tuệ của mọi người dân. Trân trọng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ tham gia Chính phủ cách mạng, đảm nhiệm nhiều trọng trách. Cụ đã có nhiều đóng góp rất quan trọng, góp phần chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua giai đoạn nan nguy, cụ thể là:
Với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên Chính phủ, cụ Huỳnh đã dồn hết tâm lực và trí tuệ để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; chỉ đạo giải quyết nhiều công việc nội chính, đóng góp quan trọng giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội mới; tham gia ngay từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến để bàn các vấn đề quan trọng, như chương trình nghị sự, nguyên tắc Hội đồng Chính phủ, Tuyên ngôn của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, chính sách đối với Pháp, quyền hạn của Bộ Nội vụ, các bộ và ủy ban kháng chiến là một trong 6 thành viên của ủy ban Nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Pari do Hội đồng Chính phủ lập ra trong cuộc họp sáng ngày 22/5/1946...
Với cương vị Quyền Chủ tịch nước trong thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, cụ Huỳnh đã tham gia giải quyết nhiều công việc, góp phần quan trọng điều hành bộ máy Nhà nước, chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề về đối nội và đối ngoại theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi). Cụ Huỳnh ký nhiều sắc lệnh quan trọng của đất nước; vừa mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng rất cương quyết xử lý triệt để các lực lượng chống phá cách mạng, đặc biệt là xử lý dứt khoát đối với âm mưu đảo chính của bọn Quốc dân đảng qua vụ án phố Ôn Như Hầu (tháng 7/1946).
Với cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, cụ Huỳnh đóng góp cho việc củng cố, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chỉ đạo thực hiện mục đích của Hội là “Đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và các đồng bào yêu nước vô đảng vô phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, để làm cho nước Việt Nam độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Cụ Huỳnh rất nghiêm khắc đối với các cá nhân, đảng phái phá hoại chế độ dân chủ cộng hòa, khẳng định việc đoàn kết là rất cần để xây dựng nền dân chủ cộng hòa, nhưng không thể vin vào đoàn kết để làm những điều phi pháp; khuyên mọi đảng phái, các tầng lớp nhân dân đoàn kết xung quanh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực hiện trường kỳ kháng chiến.
Khi làm Đặc phái viên Chính phủ tại miền Trung, cụ Huỳnh tích cực giải thích đường lối toàn quốc kháng chiến và động viên, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thực hiện thắng lợi đường lối toàn quốc, nhấn mạnh “đại đoàn kết một khối rất mạnh, ta phải khuyên nhau...”. Đặc biệt, khi đến công tác ở Quảng Ngãi, cụ Huỳnh luôn quan tâm tới mọi tầng lớp nhân dân, nhắn nhủ già, trẻ, gái, trai đồng lòng chung sức phục vụ kháng chiến.
Trước khi qua đời, cụ Huỳnh còn gửi đến các đảng phái, nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG, TIÊN PHƯỚC CÙNG CẢ TỈNH, CẢ NƯỚC TÍCH CỰC HỌC TẬP TẤM GƯƠNG CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG
1. Những đổi thay trên quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng
Tiên Phước có bề dày truyền thống văn hóa, giàu lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm, sinh ra nhiều người tài giỏi, chí cao làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước, người Tiên Phước đã có nhiều đóng góp xứng đáng, nhất là trong các cuộc chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.
Kể từ ngày quê hương được giải phóng, phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Tiên Phước đoàn kết, cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, tạo ra sự thay đổi to lớn với nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Trên lĩnh vực kinh tế, giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp - công nghiệp - thương mại dịch vụ hàng năm tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ (Đến cuối năm 2020, nông nghiệp: 17,95%, công nghiệp - xây dựng: 27,47%, thương mại - dịch vụ: 54,58%). Kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái từng bước được đầu tư, chỉnh trang, mở rộng và đang trở thành nét đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng. Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tiên Phước đã có 11/14 xã đạt chuẩn; phấn đấu đến năm 2022 đạt tiêu chí huyện nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang là điểm sáng của tỉnh với nhiều sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ; mạng lưới điện đã được phủ khắp, đảm bảo nguồn điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Hệ thống giao thông từ đường Quốc lộ 40B, Tỉnh lộ 614, 615 qua địa bàn huyện, đường huyện, giao thông nông thôn, đường dân sinh từng bước được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực. Công tác thương binh, liệt sỹ, chính sách đối với người có công với nước, an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo đến nay toàn huyện còn 4.52%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Chất lượng Giáo dục - Đào tạo ngày càng đi vào chiều sâu, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chuyển biến rõ nét. Hàng năm học sinh tốt nghiệp, học sinh thi đỗ vào các trường đại học đều tăng, phong trào thi đua ngành giáo dục luôn luôn dẫn đầu các huyện miền núi. Nhiều con em Tiên Phước đã trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sỹ, kỹ sư giỏi trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quê hương đất nước. Chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng trường học đạt chuẩn được tập trung đẩy mạnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 37/45 trường đạt chuẩn Quốc gia; phấn đấu đến năm 2025, 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia, trên 40% đạt chuẩn quốc gia mức 2. Hệ thống y tế từ huyện đến xã được củng cố, mở rộng, 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; công tác chăm sóc sức khỏe cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang được triển khai quyết liệt, chặt chẽ và hiệu quả. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được phát động thường xuyên. Các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được bảo tồn, tôn tạo, từng bước đưa vào khai thác nhằm giáo dục truyền thống và phát triển du lịch.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đạt được những kết quả quan trọng. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Công tác tổ chức, cán bộ và đảng viên được tập trung chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả. Chú trọng triển khai thực hiện Chương trình hành động 24-CTr/HU, Đề án 01-ĐA/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là chỉ đạo quyết liệt cấp ủy các xã, thị trấn thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đến nay, có 75/85 chi bộ thôn, khối phố (88,2%) và 100% chi bộ Quân sự có chi ủy. Công tác kiểm tra, giám sát có nhiều đổi mới, đạt được một số kết quả nổi bật, quan trọng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra từ huyện đến cơ sở luôn chủ động lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc; chất lượng, hiệu quả về công tác kiểm tra, giám sát được nâng cao. Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng sâu sát cơ sở, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, nâng cao chất lượng sinh hoạt bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, thu hút đông đảo quần chúng tham gia; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Công tác quốc phòng tiếp tục được củng cố, tăng cường. Các tiềm lực trong khu vực phòng thủ được xây dựng khá đồng bộ, ngày càng vững chắc. Tập trung thực hiện tốt Quy chế phối hợp từ huyện đến xã theo Nghị định 77, 133 của Chính phủ. Duy trì nghiêm công tác trực sẵn sàng chiến đấu từ huyện đến cơ sở. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được triển khai thực hiện quyết liệt, nhất là tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình 20-CTr/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về định hướng và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, kiểm soát, cai nghiện ma túy trong tình hình mới; tập trung đẩy mạnh đấu tranh trấn áp, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm; nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, án ma túy được điều tra làm rõ kịp thời và xử lý nghiêm, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân Tiên Phước quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa; huy động mọi nguồn lực và tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triến kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn thách thức, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành công huyện Nông thôn mới kiễu mẫu khu vực duyên hải miền Trung vào năm 2025, huyện Anh hùng trong thời kỳ đổi mới giai đoạn 2025 - 2030.
2. Huỳnh Thúc Kháng - tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là “một người đức cao danh vọng mà quốc dân ai cũng biết”. Cuộc đời, sự nghiệp, tài năng, nhân cách của cụ là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, thương nòi, luôn đặt lợi ích dân tộc trên hết, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hết lòng vì dân, vì nước. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Thư gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao...lòng son, dạ sắt, yêu nước, thương nòi..., là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Kỷ niệm 146 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng vào thời điếm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đối với cách mạng Việt Nam; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, chúng ta nguyện noi gương cụ Huỳnh, học tập, tu dưỡng và phấn đấu suốt đời vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tác giả:
Ban tuyên giáo Đảng ủy
Nguồn tin:
Đảng ủy xã
[Trở về]
Các tin mới hơn:
- TRƯỜNG TH&THCS TRẦN QUỐC TOẢN TỔ CHỨC HỘI THI “KỂ CHUYỆN THEO SÁCH” ( Ngày đăng: 7:19 | 03/12 )
- Xã Tiên Ngọc tổ chức gặp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2024 ( Ngày đăng: 9:26 | 24/11 )
- UBMTTQVN xã tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2024 ( Ngày đăng: 16:26 | 17/11 )
- Trường Mẫu giáo Tiên Ngọc tổ chức hội nghị cán bộ Công chức, người lao động năm học 2024-2025 ( Ngày đăng: 10:08 | 13/10 )
- Khai giảng khóa nghề “Kỹ thuật pha chế đồ uống” cho hội viên nông dân, phụ nữ xã Tiên Ngọc ( Ngày đăng: 15:54 | 21/09 )
- Đảng uỷ xã Tiên Ngọc ban hành kế hoạch về phát triển TDTT trong giai đoạn mới ( Ngày đăng: 18:18 | 14/07 )
- Xã Tiên Ngọc qua 5 năm thực hiện, trình hành động số 34-CTr/HU của huyện ủy, về triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. ( Ngày đăng: 14:27 | 05/07 )
- Từ ngày 1/7, giải quyết liên thông điện tử 3 thủ tục cho trẻ dưới 6 tuổi ( Ngày đăng: 18:04 | 28/06 )
- Công khai danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ phận TN&TKQ cấp huyện, xã ( Ngày đăng: 18:01 | 28/06 )
- Công bố 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ( Ngày đăng: 18:00 | 28/06 )
Các tin cũ hơn: