|
Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Tiên Thọ giúp đỡ em Hồ Thị Hồng Linh di chuyển xe đạp quanh sân nhà. Ảnh: N.HƯNG |
Những mảnh đời bất hạnh
Cuối năm 2016, chúng tôi đến thăm gia đình em Nguyễn Hoàng Phúc (15 tuổi), thôn An Tây và em Nguyễn Thị Quỳnh Như (17 tuổi), thôn Sơn Yên cùng trú tại thị trấn Tiên Kỳ, hai em đều bị khuyết tật do di hại của chất độc da cam. Trong đó, Phúc là bệnh nhân tâm thần, mẹ mất sớm, em sống cùng người cha và bà nội. Để có tiền lo thuốc thang cho con trai và trang trải cuộc sống gia đình, anh Nguyễn Văn Tồn (cha Phúc) đi phụ hồ nay đây mai đó, Phúc ở nhà được bà nội năm nay ngoài 70 tuổi chăm sóc. Do mắc chứng bệnh tâm thần nên em bị hạn chế về năng lực hành vi, thường hay đập phá đồ đạc, không tự mặc áo quần và hay bỏ chạy khỏi nhà khi thần kinh bị kích động bởi thời tiết. Còn em Quỳnh Như lại thiểu năng về trí tuệ và bệnh động kinh nên hạn chế về ngôn ngữ, khả năng tự phục vụ kém, mọi sinh hoạt phải nhờ sự trợ giúp của gia đình. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ bận công việc đồng áng, chợ búa, ít có thời gian chăm sóc nên bệnh tình của em không thuyên giảm.
Rời gia đình Phúc, chúng tôi đến thăm gia đình em Phan Quốc Chí (15 tuổi), thôn 8, Tiên Mỹ và Hồ Thị Hồng Linh (12 tuổi) thôn 4, Tiên Thọ. Em Quốc Chí bị thiểu năng trí tuệ và cơ thể bị khuyết tật bẩm sinh. Thường ngày em rất nhút nhát, sống thụ động, tuy học đến lớp 7 nhưng không biết chữ và viết số. Giọng nói không rõ ràng, sức khỏe yếu đi lại khó khăn, lồng ngực bị lõm dẫn đến ép tim gây khó thở. Còn trường hợp của Hồng Linh do ảnh hưởng của chất độc da cam nên tứ chi co quắp không thể đi lại và giọng nói khó nghe. Đây là bốn trong số 20 trẻ khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam được Hội Chữ thập đỏ huyện cùng với Quỹ WLP đến khảo sát, giúp đỡ.
Chia sẻ nỗi đau da cam
Sau khi đi thực tế khảo sát, Quỹ WLP đã hỗ trợ kinh phí và giúp Hội Chữ thập đỏ huyện đào tạo 10 tình nguyện viên chăm sóc, giúp đỡ 20 trẻ khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Hiện nay, sau khi được tình nguyện viên chăm sóc em Nguyễn Hoàng Phúc đã dần thay đổi hành vi, tỏ ra thân thiện, ngoan hiền, tự mặc áo quần, chịu đánh răng, súc miệng, đi vệ sinh đúng nơi quy định… Còn Quỳnh Như cũng có khả năng tự phục vụ bản thân và phụ giúp gia đình những công việc đơn giản, tự gấp chăn màn, quét dọn nhà cửa, nhặt rau... Đặc biệt, em có khả năng hiểu và thực hiện đúng theo những yêu cầu đơn giản của người thân trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Luyến - tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ thị trấn Tiên Kỳ, chia sẻ: “Với mong muốn giúp nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống, mỗi tuần hai buổi chúng tôi đến từng gia đình giúp đỡ, chia sẻ, hỗ trợ cho các đối tượng. Sau một thời gian giúp đỡ các trẻ khuyết tật có những chuyển biến tích cực, một số trường hợp có khả năng tự phục vụ bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình. Tôi mong muốn thời gian tới Quỹ WLP tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ nhiều nạn nhân chất độc da cam phục hồi chức năng, sớm vượt qua khuyết tật và hòa nhập cộng đồng”.
Đối với em Quốc Chí sau khi được tình nguyện viên giúp đỡ em không còn nhút nhát, tự vệ sinh cá nhân, ngủ dậy tự gấp được chăn màn, có khả năng đọc được chữ và viết được từ số 1 đến 20. Chị Hồ Thị Thúy Loan - Ban chăm sóc trẻ xã Tiên Mỹ, tình nguyện viên chăm sóc cho em Quốc Chí tâm sự: “Qua thời gian chăm sóc tôi nhận thấy Quốc Chí có những tiến bộ nhất định, mong muốn phía dự án tiếp tục hỗ trợ, quan tâm giúp đỡ để em vươn lên tự chăm sóc bản thân, giảm sự phụ thuộc vào gia đình. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn dự án, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ kinh phí để gia đình đưa em đi mổ chỉnh sửa lõm ngực bẩm sinh”. Với Hồng Linh, khi có người phụ giúp, em có thể di chuyển trên xe đạp mini quanh sân, tay cũng có khả năng cử động cầm nắm được một số đồ vật nhẹ; đặc biệt em có thể viết được chữ và làm được những phép tính đơn giản. Anh Hồ Tấn Hoàng (thôn 4), Tiên Thọ cha của bé Hồng Linh vui vẻ nói: “Trước đây, gia đình cũng chăm sóc nhưng chưa đúng cách nên bé Hồng Linh còn chậm phát triển. Nhờ sự giúp đỡ của tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ xã nên giờ chân tay bé Linh có thể cử động được, biết đọc, biết viết”.
Ngoài 4 trường hợp nêu trên, các trường hợp trẻ khuyết tật còn lại cũng có những chuyển biến tích cực, nhiều em có khả năng tự phục vụ bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. “Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước làm rất tốt công tác quản lý, giúp đỡ đối tượng da cam trên địa bàn. Đối với tình nguyện viên qua kiểm tra nhận thấy họ làm việc rất tích cực, năng động, chịu khó cố gắng giúp cho các em tự chăm sóc bản thân, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho bản thân và gia đình các em, tạo cho các em có được niềm tin để vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng” - Ông Phạm Bằng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam nói.