19 giờ ngày 27-10-1961 , đơn vị H21 tổ chức vượt sông Tranh, lúc này mưa nặng hạt, trời tối đen, nước sông dâng cao chảy xiết gây khó khăn cho việc hành quân vượt sông, nhưng được sự giúp đỡ của cô Trịnh Thị Ngọc Lan (cô Ba Sừng) là một quần chúng được giác ngộ cách mạng trước đó, đồng thời cũng là một người bơi lội và chèo ghe điêu luyện ở bến sông này, cô Ba đã nhanh chóng tập hợp và chỉ huy một đội ghe của địa phương gồm 5 chiếc cập bến bờ tây sông Tranh (khu vực vườn Du, Nà Ráy) để chuyển bộ đội sang sông.
Vượt sông đảm bảo kế hoạch, đại đội nhanh chóng tổ chức triển khai đội hình, đồng loạt tiến công địch ở các đồn ngoại vi của hội đồng xã Tiên Lãnh. Quân địch bị tấn công bất ngờ tháo chạy dồn về trung tâm hội đồng xã Tiên Lãnh. Từ nhiều hướng, quân ta thừa thắng giáng đòn mạnh vào bọn địch trung tâm hội đồng xã. Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, quân địch tháo chạy, xã Tiên Lãnh được hoàn toàn giải phóng.
Mất Tiên Lãnh, quân địch vô cùng tức tối, chúng vội củng cố lại đội hình và tổ chức phản công vô cùng quyết liệt hòng tái chiếm lại địa bàn đã mất. Song được sự giúp đỡ tích cực của nhân dân và đặc biệt là đội công tác xã Tiên Lãnh do đồng chí Huỳnh Văn Đào phụ trách, đại đội H21 nhanh chóng triển khai đội hình bố phòng. Đồng thời, tỉnh đội điều đại đội H30 do đồng chí Ngô Văn Sành (tức Minh Dồ) làm đại đội trưởng, từ cánh trung của tỉnh đến Tiên Lãnh phối hợp với H21 và đội công tác xã để đón đánh địch. Các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh tiếp tục tiến công và giải phóng hoàn toàn xã Tiên Ngọc vào ngày 2-11-1961 .
Phản ánh về ý nghĩa của việc giải phóng hai xã Tiên lãnh và Tiên Ngọc vào cuối năm 1961, nhân dân 2 xã đã truyền nhau 2 câu thơ đầy xúc động, như "bừng nắng ấm sau cơn giông bão, như mùa xuân về xóa cảnh trời đông".
Sau khi quê hương được giải phóng, chi bộ xã Tiên Ngọc kịp thời được tái lập, gồm các đ/c Huỳnh Ân, Đỗ Thông, Lê Tánh, Lê Minh, Lê Mực, Lê Cửu, Lê Thắng, Võ Thích, Nguyễn Trình, Nguyễn Trình (A) do đ/c Nguyễn Trình B làm Bí Thư, Lê Tánh làm CT, Đỗ Thông làm PCT, Nguyễn Trình (A) làm thư ký. Đi đôi với việc hình thành lực lượng quân sự, các đoàn thể giải phóng được thành lập như.
Mặt trận DT giải phóng xã được thành lập do đ/c Lê Tánh kiêm chức chủ tịch
Hội nông dân giải phóng do đ/c Lê Cửu làm BT.
Hội thanh niên giải phóng do đ/c Lê Thắng làm BT.
Cùng với việc củng cố xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chi bộ đã quyết định thành lập đơn vị du kích xã do ông Lê Mực làm xã đội trưởng chỉ huy với 11 đ/c, được trang bị 6 khẩu súng, tuy vũ khí thiếu thốn nhưng LLDK xã cũng đã phối hợp với du kích xã tiên lãnh do đ/c Lê Xuân Nhân chỉ huy vạch ra nhiều PA chống trả địch phản kích rất hiệu quả, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Lãnh, Ngọc.