Hồ Chí Minh sinh ra, lớn lên trên vùng đất có truyền thống văn hóa, hiếu học. Người hiểu sâu sắc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là thành tố vô cùng quan trọng có từ hàng ngàn năm lịch sử, một bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt.
Câu ca dao xưa còn vang vọng:
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Một quốc gia cũng vậy. Trong dòng chảy hàng ngàn năm lịch sử, cội nguồn dựng nước của dân tộc Việt Nam, điểm phát tích được khởi nguyên từ thời đại các Vua Hùng.
Hồ Chí Minh sớm nhận thức: “Chúng tôi có phong tục lấy gạo ngon làm ra rượu uống, khi có bạn tới chơi hoặc khi có ngày giỗ tổ tiên… Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội…”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr.479).
Theo quan niệm của Người, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đạo ông bà của dân tộc Việt Nam không chỉ bó hẹp trong gia đình, dòng họ, mà vươn xa hơn là tín ngưỡng thờ cúng vị Thành hoàng của làng xã và luôn đặt vị trí quan trọng nhất kính dâng lên Quốc Tổ - Các Vua Hùng. Người khái luận:
“Kể năm hơn bốn nghìn năm
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”
(Sđd, tập 3, tr.221)
Hơn bốn nghìn năm lịch sử, nhờ có “Tổ tiên rực rỡ”, là đoàn kết, đại đoàn kết quyện chặt giữa bốn thành tố cơ bản: Gia đình - Dòng họ - Làng xã - Tổ quốc; và cũng chính từ đó dân tộc Việt đã nhiều lần chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược dù chúng có hung hãn, tàn bạo và đông hơn gấp bội, để cùng đạt đến nghĩa cao cả “Anh em thuận hòa”.
Dường như mỗi khi đất nước đứng trước thử thách lớn thì tâm thức hướng về Quốc Tổ Hùng Vương càng trở nên một nguồn động lực tinh thần to lớn. Chính vào những năm tháng đất nước ta dưới gót sắt phát xít Nhật và thực dân Pháp đô hộ thì Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ âm thầm hương khói trên Đất Tổ mà còn được các tổ chức yêu nước tham gia Mặt trận Việt Minh đưa về tổ chức một cách trọng thể ngay tại thành phố Hà Nội, trong khuôn viên của Việt Nam Học xá.
Chỉ hai tuần sau ngày Việt Nam độc lập, ngày 25.9.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Bộ Tuyên truyền tổ chức trọng thể ngày Giỗ đức Thánh Trần, biểu tượng tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/ LCT đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương.
16 giờ, ngày 11 tháng 4 năm 1946 (tức ngày mồng 10 tháng 3 năm Bính Tuất), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá, nay là khu vực Trường Đại học bách khoa Hà Nội; (Theo Hồ Chí Minh - 474 ngày độc lập, tr.86 và tr.153). Chính phủ còn cử đoàn đại biểu chính thức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa...về dự lễ dâng hương tại Đền Hùng. Trong ngày Giỗ Tổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dâng hương cùng một tấm bản đồ và một thanh gươm quý để cáo tế với Tổ Tiên lòng quyết tâm bảo vệ nền tự chủ quốc gia của dân tộc Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Xiển kể lại: “Hồi ấy, các cơ sở Quốc dân đảng hoạt động mạnh ở Phú Thọ. Đoàn đi như thế là hết sức mạo hiểm. Nhưng nhờ có cụ Huỳnh, nên bọn họ không dám manh động. Tiếc là lúc bấy giờ Chính phủ không sẵn máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những hoạt động tưởng chừng bình thường nhưng hết sức có ý nghĩa như vậy”.
(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 215-216).
Ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, những hình tượng “Gươm núi Sóc - Cọc Bạch Đằng” hay tinh thần “Rước ông Gióng vào Nam” đã được phát huy như một sức mạnh truyền thống chống giặc ngoại xâm. Để rồi, đến ngày cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp toàn thắng, tại Đất Tổ, Bác Hồ đã đưa ra cái nguyên lý thiêng liêng như một nghĩa vụ trao truyền tới mọi thế hệ con dân nước Việt: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong lời nói của mình: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn đến những con người có thật trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là một biểu tượng cao quý mà các thế hệ con cháu người Việt Nam đời này qua đời khác luôn tôn thờ. Nói về Các Vua Hùng ngay tại nơi quy tụ thiêng liêng của “hồn thiêng sông núi” mà bao đời người Việt trở về trong tâm thức cũng như trong đời sống thường nhật - Đền Hùng; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi gợi cho chúng ta ý thức về dân tộc, cội nguồn, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Lời dạy của Bác có tính định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Đền Hùng trong tương lai, đã trở thành kim chỉ nam cho tư duy, tình cảm và hành động của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.
Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 trên đường về tiếp quản thủ đô tại Đền Hùng ngày 19/9/1954
Lịch sử đã chứng minh, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt đã đương đầu và đánh bại rất nhiều kẻ xâm lược hùng mạnh bằng sức mạnh đại đoàn kết tuôn chảy từ cội nguồn. Đất nước ta lúc thịnh lúc suy, có lúc nước mất, nhà tan; nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu cúi đầu làm nô lệ. Con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, không xâm lược nước nào, nhưng cũng không để kẻ thù nào xâm lược non sông, bờ cõi của mình. Lòng biết ơn, thờ cúng Tổ tiên là nền tảng đạo đức và tín ngưỡng tâm linh cơ bản của người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đền Hùng đã gợi lên sức mạnh cội nguồn, khơi dậy tình cảm thiêng liêng cổ vũ toàn dân quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược; giữ vững non sông liền một dải.
Sự kiện 2 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng năm 1954 và năm 1962, không phải vì lo sợ trước những khó khăn của đất nước, quốc gia, dân tộc; phải mượn tới uy linh Tiên Tổ, mà vì nhân dân ta vốn coi trọng nguồn gốc, có tình cảm thiết tha với cội nguồn, có đức tin chung thủy và tinh thần nồng nàn yêu nước. Người Việt Nam ta vốn coi trọng nguồn gốc, tha thiết ở tình cảm " uống nước nhớ nguồn ", " ăn quả nhớ ơn người trồng cây ". Nhằm tri ân công đức Các Vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đền Hùng, viện dẫn đến " Các Vua Hùng đã có công dựng nước ", chính là để nhắc nhở, động viên ý chí quyết tâm giữ nước trong thời đại mới, từ đó khơi dậy những tình cảm thiêng liêng của dân tộc, để từ truyền thống lịch sử tạo ra những điều bất diệt, tạo nên sức mạnh phi thường và nguồn sinh lực mới cho cuộc sống, để dân tộc ta hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng, đi đến đích cuối cùng với mục tiêu thống nhất đất nước, xây dựng tổ quốc hoà bình, dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc.
Cái nguyên lý ấy tiếp tục phát huy trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước để thực hiện trọn vẹn mục tiêu thống nhất nước nhà. Chính trong những năm tháng đầy thử thách và gian khổ hy sinh ấy, cái tinh thần “Bốn mươi thế kỷ cùng ta trận; lịch sử đang cùng ta đánh Mỹ” không chỉ thúc giục người lính trên mặt trận tiền tiêu, mà đó cũng lại là thời kỳ mà giới khoa học và chính trị không ngừng góp sức tìm tòi, nghiên cứu về tính hiện thực của thời đại các Vua Hùng để lý giải một cách thuyết phục lịch sử hình thành dân tộc, tạo nền tảng khoa học cho lòng tự hào về một dân tộc có cội nguồn, có bản sắc riêng về văn hoá và có chủ quyền trong mối quan hệ với các cộng đồng quốc gia khác trên thế giới…
Sự khẳng định ấy đã trở thành phương hướng và cơ sở cho các nhà khoa học Việt Nam khi nghiên cứu về thời đại Hùng Vương trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lời dạy của Bác còn là tổng kết khoa học về quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta, đó là Dựng nước đi liền với giữ nước. Câu nói của Bác có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức dân tộc, nâng cao tinh thần đại đoàn kết, nguồn sức mạnh to lớn chi phối toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử dân tộc; là động lực cổ vũ lớn lao tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đó còn là thông điệp nhắn gửi tới tương lai về ý thức hướng về cội nguồn dân tộc, tri ân công đức Các Vua Hùng.
Với một quốc gia đa dân tộc và tín ngưỡng như Việt Nam ngày nay, tâm thức về các Vua Hùng vượt ra khỏi những truyền thuyết ban đầu gắn với các tộc người Việt; cái nghĩa “đồng bào” rộng lớn mang lại ý niệm về tinh thần đại đoàn kết các cộng đồng dân tộc trong một quốc gia đã trải qua bao nhiêu thử thách của lịch sử gắn kết lại với nhau trong một số phận chung.
Kỷ niệm 70 năm ngày Chính quyền cách mạng tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương (1946 - 2016); biết ơn các bậc tiền nhân, chúng ta hãy cùng nhau biến lòng biết ơn thành hành động cách mạng, phát huy sức mạnh đoàn kết từ cội nguồn, sức mạnh của lòng yêu nước, ra sức thi đua xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh và bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời, từng tấc đất biên cương của Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và anh hùng ./.