Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày đăng:
15:31 | 14/10
Lượt xem:
45
Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Không gian mạng (Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Linkedin, Zingme, Google…) đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo, vì vậy không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Đây thực sự là một mặt trận quan trọng và không thể buông lỏng. Đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng hiện nay là vấn đề khách quan, nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi mọi người, lực lượng thực thi nhiệm vụ này trên không gian mạng phải luôn nhận thức đầy đủ những thách thức và yêu cầu của nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh, trách nhiệm và quyết tâm cao, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trước tình hình mới.
I. Phân tích, nhận định tình hình
Cùng với sự phát triển không ngừng của cuộc công nghiệp 4.0, công cuộc đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, tỉ lệ người dân được tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội ngày càng tăng và dần trở thành một phần không thể thiếu của đời sống thường ngày. Bên cạnh những lợi ích to lớn mà các nền tảng này mang lại như là dễ dàng học hỏi các thành tựu về khoa học công nghệ, những cách làm hay, sáng tạo trong lao động sản xuất, kết nối cộng đồng, trao đổi mua bán hàng hóa, giải trí… thì cũng có không ít những tác hại mà nếu chúng ta không có cái nhìn đúng đắn, khách quan sẽ dẫn chúng ta đến những thông tin sai trái, lệch lạc, không đúng bản chất vấn đề, không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Nắm bắt xu thế này, trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị dần thay đổi phương thức chống phá từ truyền thống sang phi truyền thống, chúng lợi dụng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, Youtube, lập ra nhiều trang cá nhân, Fanpage đăng tải nhiều video bình luận, phân tích, bài viết xuyên tạc, đưa ra nhiều luận điệu sai trái, thù địch… nhằm đánh lạc hướng dư luận, đánh vào tâm lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tác động vào một bộ phận quần chúng Nhân dân có tâm lý bất bình, thiếu hiểu biết, không có kỹ năng nhận định, phân tích đúng sai, điển hình như là các trang Việt Tân, Đài Á Châu tự do RFA, BBC News Tiếng Việt và rất nhiều tài khoản cá nhân, website khác, nguy hiểm hơn là đôi khi các Fanpage, tài khoản này cũng đăng tải những bài viết, thông tin đúng sự thật hoặc là bắt đầu bài viết bằng những nội dung đúng nhưng phần sau là suy diễn, xuyên tạc. Từ đó dẫn đến những đối tượng này nghe theo những luận điệu xuyên tạc, dần dần bị lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí bị mua chuộc trở thành những người có tư tưởng chống phá, không ít người đã tham gia vào các tổ chức phản động ở trong nước và nước ngoài, làm theo chỉ đạo của bọn cầm đầu, kích động, thực hiện nhiều hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.
Một số vụ việc điển hình trong thời gian qua có thể kể đến như là: Vụ án Nguyen James Han, Phan Angel và 10 đồng phạm thuộc tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân; vụ án lợi dụng biểu tình phản đối dự thảo Luật đặc khu tại Bình Thuận năm 2018 để bạo loạn, gây rối, chống người thi hành công vụ; lợi dụng vụ Việt Á để suy diễn, thổi phồng, bịa đặt, xuyên tạc tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết sai sự thật đã bị cơ quan chức năng xử lý…
Trong những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại hạn chế như: chưa đa dạng hóa các hình thức thông tin, chất lượng thông tin tuyên truyền chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay; chưa tích cực, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; chưa phát huy vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị xã hội, công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... có lúc có nơi còn chưa quyết liệt.
II. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, cảnh giác và kiên quyết vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực, thành phần thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ, hoang mang, dao động trước sự tấn công trên mặt trận chính trị, tư tưởng; bình tĩnh xem xét, phân tích và nhận rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà các thế lực thù địch đang ra sức chống phá. Chủ động có giải pháp đúng đắn để ngăn chặn và vô hiệu hoá mọi thủ đoạn tung tin xuyên tạc trên không gian mạng nhằm tạo ra khả năng “miễn dịch” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Thứ hai, cần có một “tư lệnh” trong “cuộc chiến thông tin” này. Các cơ quan có trách nhiệm phải làm tốt vai trò phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời và liên tục. Cần phải có một cơ chế cung cấp thông tin nhanh và chính xác cho báo chí trong nước. Các phương tiện truyền thông trong nước phải đưa thông tin đúng, nhanh nhạy, hấp dẫn, bổ ích để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, bởi, khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài.
Thứ ba, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, gương mẫu chấp hành 19 điều đảng viên không được làm, trong đó chú trọng các điều liên quan đến phát ngôn. Đây cũng là vấn đề thời gian qua còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm; có những cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thậm chí có người còn “phụ họa”, vô tình “tiếp tay” cho những quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ tư, quan tâm xây dựng, phát triển các hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới và tích cực tuyên truyền trên không gian mạng; phải chỉ ra cái căn cốt, tinh hoa của văn hóa là gì. Đây sẽ là những “vũ khí tinh thần” quan trọng giúp “cư dân mạng” củng cố bản lĩnh, ý chí; xác định đúng định hướng, mục tiêu, phương thức và hành động khi chia sẻ, lan tỏa những giá trị tích cực trên Internet. Nhờ đó, sẽ giảm bớt các hiện tượng lệch chuẩn trên mạng xã hội và giúp cho các cá nhân trong xã hội sống tốt, hướng tới chân - thiện - mỹ.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi công dân nâng cao hiểu biết, có ý thức chia sẻ, cùng hành động, chủ động loại bỏ những thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, tạo sự tin tưởng, đồng hành và sẻ chia với Đảng và Nhà nước trong quá trình đấu tranh loại bỏ thông tin xấu độc.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải là “người lính xung kích” trong việc đưa trang mạng xã hội của cá nhân mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”./.
Tác giả:
Trương Thị Hòa-Hồ Thị Bích Hòa
Nguồn tin:
Đoàn xã
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn: